Mặc dù đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận, giúp phương thức hòa giải trở thành lựa chọn hiệu quả khi doanh nghiệp phát sinh tranh chấp trong hoạt động thương mại quốc tế, pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần được rà soát và hoàn thiện. Đây là chia sẻ của Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Phương thức hòa giải thương mại đang trở thành xu thế không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) cùng với các quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Tuy nhiên, qua hơn bảy năm thi hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, hòa giải thương mại tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm có thể thay đổi, hoàn thiện để tương thích hơn với thông lệ hòa giải quốc tế.
- Cụ thể ở đây là những vấn đề gì, thưa ông?
Có sáu vấn đề chính mà pháp luật về hòa giải tại Việt Nam hiện nay cần hoàn thiện.
Thứ nhất, khái niệm về hòa giải thương mại hiện nay tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP là “Hoà giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thoả thuận và được hoà giải viên thương mại làm trung gian hoà giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp”. Tuy vậy, khái niệm này chưa nêu bật được đặc trưng công việc của Hòa giải viên là người không có thẩm quyền đưa ra quyết định bên nào thắng bên nào thua (bên nào đúng, bên nào sai) mà chỉ hỗ trợ các bên trong việc giải quyết tranh chấp. Khái niệm này cũng chỉ giới hạn phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải là cho các tranh chấp thương mại.
Thứ hai, các quy định pháp luật về thỏa thuận hòa giải hiện nay vẫn còn những điểm bất cập. Xét dưới góc độ pháp lý, bản chất của thỏa thuận hòa giải là một hợp đồng giữa các bên, phải đáp ứng các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực như chủ thể ký kết, nội dung giao dịch, hình thức giao dịch và ý chí tự nguyện khi tham gia giao kết của các bên. Tuy vậy, Nghị định 22/2017/NĐ-CP hiện nay đang quy định rải rác về thỏa thuận hòa giải có hiệu lực hoặc các trường hợp thỏa thuận hòa giải bị vô hiệu, gây khó khăn cho các bên trong việc tìm hiểu và thi hành.
Thứ ba, vấn đề bảo mật thông tin được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP như sau: “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, Nghị định lại không quy định liệu các thông tin cung cấp trong quá trình hòa giải, tài liệu chứng cứ (nếu có), biên bản của quá trình hòa giải có thể được cung cấp cho Tòa án hoặc Trọng tài như chứng cứ chống lại phía bên kia hay không và Tòa án hay Trọng tài có xem xét các thông tin và tài liệu đó hay không?
Thứ tư, vấn đề thời hiệu khởi kiện cũng chưa được quy định trong pháp luật về hòa giải. Trường hợp hòa giải thành toàn bộ tranh chấp thì vấn đề thời hiệu không cần thiết phải quan tâm nữa vì pháp luật đã quy định thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Tuy nhiên, nếu hòa giải không thành, nhiều câu hỏi về thời hiện khởi kiện được đặt ra: thời hiệu khởi kiện được tính như thế nào; thời gian giải quyết tranh chấp trong phương thức hòa giải thương mại có được tính vào thời hiệu khởi kiện hay không.
Thứ năm, quy định về tiêu chuẩn của Hòa giải viên tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP hiện nay tuy đã khá đầy đủ nhưng vẫn đang nghiêng về các quy định định tính; còn quy định về định lượng rằng có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên vô hình chung tạo cảm giác ai cũng có thể làm hòa giải viên. Ngoài ra, một vấn đề còn bỏ ngỏ trong pháp luật về hòa giải là việc hòa giải viên có dược miễn trừ trách nhiệm hay không.
Thứ sáu, hiện nay khoản 3 Điều 419 BLTTDS năm 2015 có quy định về thủ tục yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành rằng một văn bản hòa giải thành được công nhận bởi Tòa án có thẩm quyền thì thẩm phán có thể yêu cầu các bên tham gia hòa giải, hòa giải thương mại bổ sung tài liệu, chứng cứ nếu thầy cần thiết. Tuy vậy, bản chất của hòa giải thương mại là dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Kết quả hòa giải thành có thể xem như như một thỏa thuận mà các bên đã đạt được một cách tự nguyện. Nếu thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án phức tạp sẽ khiến cho các bên không tin tưởng và lựa chọn hòa giải nữa, làm giảm hiệu quả của phương thức này cũng như làm mất ý nghĩa của việc công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án.
- Vậy, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Trước thực tế đã nêu, theo tôi, trước mắt cần hoàn thiện các quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, và trong tương lai, chúng ta cần xây dựng pháp luật về hòa giải mới, cụ thể là Luật Hòa giải (thương mại) phù hợp với qui định của Công ước của Liên hợp quốc về Thỏa thuận hòa giải thành quốc tế (Công ước Singapore).
Trong đó, cần tham khảo định nghĩa về hòa giải của Công ước Singapore sao cho nêu bật được đặc trưng của phương thức hòa giải và mở rộng được phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải.
Bên cạnh đó, cần có một quy định tổng hợp về hiệu lực của thỏa thuận hòa giải, các trường hợp thỏa thuận hòa giải vô hiệu, đồng thời quy định về khả năng tạm ngưng tố tụng tại Tòa án để các bên tiến hành hòa giải nếu có một bên trong tranh chấp yêu cầu; vấn đề bảo mật thông tin tài liệu, chứng cứ và vấn đề thời hiệu khởi kiện. Hơn nữa, nên hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn của Hòa giải viên theo hướng tham khảo Đạo luật hòa giải của Singapore…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Gia Nguyễn, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, số 94 (Thứ Sáu 22/11/2024), xem tại: https://diendandoanhnghiep.vn/an-pham/an-pham-in-dien-dan-doanh-nghiep-so-94-thu-sau-22-11-2024-78.html